Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Thương lái Trung Quốc: Trước dễ dãi, sau lật lọng!, Thua lỗ trước mắt

Chỉ trong vòng nửa năm đầu 2012, đã không ít lần doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam phải “nếm trái đắng” khi buôn bán với thương nhân Trung Quốc.


Thua lỗ trước mắt

Đầu tiên là vấn đề xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - đối tác nông sản hàng đầu của Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn một tháng vừa qua, mà đã có tới bốn sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam "dính đòn" khiến giá giảm thê thảm là khoai lang, dứa, gạo và dừa. Các sự việc xảy ta đều theo một mô - típ chung là thao túng - mua một phần - ngừng mua - mua lại và ép giá.


Ban đầu, các thương nhân Trung Quốc thu mua ồ ạt, họ đặt trạm gom hàng nông sản khiến nhu cầu tăng đột biến, giá nông sản tăng nhanh. Các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được và đành chịu thiếu nguyên liệu sản xuất. Sau khi đã thao túng được thị trường và nhận một phần sản phẩm, tất cả thương nhân Trung Quốc bắt đầu hạn chế và dừng mua đột ngột khiến giá giảm nhanh chóng. Đến khi giá giảm rất thấp thì họ bắt đầu quay trở lại ép giá thấp hơn nữa và bắt đầu thu mua.
 
Thương lái Trung Quốc: Mánh cũ sao lừa đâu cũng thắng?

Họ tự đặt ra các tiêu chuẩn "kì lạ" để có lý do ép giá nhiều hơn (ví dụ khoai lang củ to không mua, bắt phải giảm giá). Và điều éo le nhất đó là người nông dân Việt Nam gần như không có cách nào để kháng cự lại, nếu càng cố giữ hàng chờ giá lên, thì lại càng bị ép giá nặng.

Như trường hợp khoai lang tím, sau khi giá giảm chỉ còn 300,000 đồng/tạ, nông dân đã chủ động kéo dài thời gian thu hoạch, khoai lớn củ hơn nhưng giá lại bị ép xuống còn 250,000 đồng/tạ. Chỉ với một thủ đoạn lặp đi lặp lại, các thương nhân Trung Quốc đã có thể ép giá dứa giảm hơn một nửa, khoai lang tím giảm tới 70%, và giá dừa thậm chí giảm đến 90%, còn gạo thì đang giảm giá liên tục và vẫn loay hoay tìm kiếm thị trường thay thế.

Nhờ thao túng được thị trường, thương nhân Trung Quốc có thể thoải mái lưa chọn các sản phẩm tốt nhất với giá thấp nhất. Trong bối cảnh an ninh lương thực đang bất ổn do mất mùa và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu khiến giá lương thực có thể tăng từ 10% - 20% thì việc nông dân Việt Nam phải chịu lỗ nặng khi buôn bán nông sản và lương thực với Trung Quốc là hoàn toàn vô lý.

Đó là các thiệt hại trực tiếp cho nông dân, còn đối với các doanh nghiệp cần hàng sản xuất thì thiệt hại lại đau đớn hơn nhiều khi nguồn cung nguyên liệu của thị trường rất lớn nhưng họ lại không thể mua được và phải sản xuất dưới công suất do không thể cạnh tranh thu mua với thương lái Trung Quốc.

Trong lúc doanh nghiệp rất cần nguyên liệu sản xuất thì các trạm thu gom nông sản của Trung Quốc lại hút hết nguồn hàng với giá cao hơn nhiều, doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tăng giá thu mua đầu vào do giá xuất khẩu không tăng, vì vậy đành phải sản xuất dưới công suất của nhà máy. Nhưng khi giá giảm và thương lái Trung Quốc quay trở lại thì doanh nghiệp cũng không thể tiếp tục mua do đã có đủ nguyên liệu và sản xuất đủ thành phẩm đầu ra, nếu mua vào thêm cũng không thể kiếm được người mua và hàng hóa sẽ ứ đọng.
 
Sụp đổ sản xuất trong tương lai

Sụp đổ sản xuất trong tương lai

Nhưng nguy hiểm hơn, việc người dân tự sản xuất thạch dừa hàng loạt, không theo quy trình đảm bảo chất lượng sẽ khiến cho uy tín của mặt hàng thạch dừa Bến Tre bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thạch dừa và cả ngành xuất khẩu Thạch Dừa Việt Nam. Nhưng sâu xa hơn, việc thương lái Trung Quốc ép giá thê thảm với dừa có thể khiến người dân phải bỏ trồng dừa, lúc này, ngành sản xuất thạch dừa của tỉnh sẽ khó có thể phục hồi được.

Hơn nữa, thương nhân Trung Quốc hiện bao tiêu đến 90% thạch dừa trong tỉnh nên họ toàn quyền quyết định giá cả, sản lượng và thậm chí là chất lượng, nếu họ bỏ đi, cả ngành xuất khẩu sẽ sụp đổ do không tìm được thị trường thay thế.

Còn đối với gạo, không chỉ ép giá thông thường, thương nhân Trung Quốc còn yêu cầu người nông dân trộn gạo trắng với gạo thơm để họ có thể gian lận, tăng lợi nhuận. Việc làm này chỉ mang lại một chút lợi nhuận, nhưng lại gây ra thiệt hại rất lớn cho uy tín gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Đây không phải là năm đầu tiên các sản phẩm của Việt Nam "dính đòn" hàng loạt, mà mấy năm trước thương nhân Trung Quốc vẫn tận dụng những cách này để thu lợi cho họ, trong khi gây ra thiệt hại rất lớn cho ta, vậy tại sao Việt Nam vẫn "dính đòn"?.

Nguyên nhân đầu tiên là do sự gần gũi về địa lý và truyền thống buôn bán lâu đời đã giúp buôn bán tiểu ngạch giữa hai nước phát triển. Hình thức này rất thuận tiện cho cả hai bên nhưng do Việt Nam không thể quản lý và kiểm soát tốt hoạt động của thương nhân Trung Quốc nên mới dẫn đến việc thương nhân Trung Quốc có thể thoải mái thao túng và ép giá thị trường nông sản của ta.

Nhưng nguyên nhân khách quan không quyết định tất cả khi lỗi lớn nhất lại thuộc về chính những doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã ham cái lợi trước mắt, chạy theo các nhu cầu ảo mà thương nhân Trung Quốc tạo ra, khiến cho tình hình càng thêm bất ổn.

Như trước đây, khi các cơ quan đứng ra môi giới cho doanh nghiệp ViệtNam mua hàng của nông dân với giá ổn định thì khi thấy giá tăng, nông dân sẵn sàng phá hợp đồng với doanh nghiệp, bán cho thương nhân Trung Quốc. Thậm chí khi thấy thu mua ồ ạt, nông dân sẵn sàng bỏ cả trồng lúa, trồng rau đổ xô đi trồng khoai, làm thạch dừa,... Không chỉ dừng lại ở đó, các doanh nghiệp và người nông dân còn sẵn sàng tiếp tay cho phía Trung Quốc gian lận để đổi lấy một chút lợi ích, không biết rằng chính họ đang phá đi uy tín của cả ngành sản xuất, ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của nhiều người khác.

Vấn đề tiếp theo cần nói tới là quy mô sản xuất gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác của chúng ta còn theo hướng manh mún, nhỏ lẻ. Người nông dân không đủ vốn thường phải mượn ngân hàng và chỉ muốn sớm bán được nông sản. Nên dù bị ép giá vẫn phải bán gấp để thu hồi vốn trả nợ cho ngân hàng và tái sản xuất, chưa kể là người nông dân không liên kết được với nhau nên bị thao túng hoàn toàn và gần như không có cách nào để giải quyết.

Nguyên nhân cuối cùng cần nhắc tới là liên kết giữa các cơ quan, ban ngành và người nông dân, doanh nghiệp còn yếu nên chúng ta không thể phối hợp hoạt động hiệu quả để chống lại sự thao túng thị trường của phía Trung Quốc. Nông dân và doanh nghiệp không được thông tin chính xác và kịp thời nên càng loay hoay, lo sợ khi bị thao túng. Càng cố bán gấp càng khiến giá giảm nhanh và càng dễ bị thương nhân Trung Quốc ép giá. Liên kết yếu cũng khiến cho các cơ quan, ban ngành không thể kiểm soát được chất lượng của hàng sản xuất trong nước và khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới. Khi không thể tìm ra các nguồn mua thay thế khác, cũng không thể liên kết giữ hàng chờ giá tăng thì việc bị thao túng là điều dễ hiểu.

Theo Thành Công - Mỹ Vân

Thương lái Trung Quốc: Trước dễ dãi, sau lật lọng!

Sau cua biển Năm Căn Cà Mau, sầu riêng Tam Bình (Tiền Giang), khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long), nay thương lái Trung Quốc tiếp tục “ra chiêu” với khóm ở Tân Phước (Tiền Giang).

Ngày 28/5, ông Tám Bé ở ấp Tân Phong (xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, Tiền Giang) kêu thương lái cân khóm với giá 2.800 đồng/kg. Hỏi ông vì sao thương lái Trung Quốc thu mua khóm đến 6.000 đồng/kg mà ông không bán, ông cười khẩy: “Mấy ông Trung Quốc ngưng mua khóm gần một tuần lễ rồi. Mà nếu mấy ổng còn mua, tui cũng không bán. Chơi với thương lái Trung Quốc nhiều thiệt thòi lắm”.

Né tay Trung Quốc

Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX trồng khóm ở xã Tân Lập 2, kể: Những ngày qua có hai thương lái người Việt liên tục đến nài nỉ nông dân trong HTX bán khóm cho họ để cung cấp cho thương nhân Trung Quốc. Họ hứa mua vài chục tấn/ngày, 4.000 đồng/trái khoảng 1 kg, trái lớn giá cao hơn. Nông dân và HTX đề nghị ký kết hợp đồng mua bán cụ thể thì họ từ chối. Nông dân thấy không có gì chắc ăn nên không bán.

Nhiều chủ ruộng khóm ở xã Tân Lập 2 cho biết trước đó có một người Trung Quốc đi với phiên dịch vào tận ruộng khóm đặt vấn đề thu mua số lượng lớn. Xem xong ông này chê khóm trái quá nhỏ, đề nghị nông dân mua một loại thuốc do ông ta cung ứng, bảo đảm sau khi phun thuốc trái khóm sẽ đạt trọng lượng trên 1 kg/trái, lúc đó thương lái Trung Quốc sẽ thu mua hết.

Theo ông Thành, “nông dân xã Tân Lập 2 đang rất cảnh giác với Trung Quốc. Nông dân bán khóm có tập quán chỉ bán cho mối quen, ai khác trả giá cao cũng không bán. Nếu mình tham giá cao, mất uy tín, sau này không ai mua nữa thì mình bán cho ai?”.

Nông dân xã Tân Lập 2 (Tân Phước, Tiền Giang) chấp nhận bán khóm cho thương lái người Việt với giá 2.800 đồng/kg chứ không bán cho thương lái Trung Quốc.

Trả giá cao rồi… vọt lẹ!

Những đầu mối thu mua khóm ở huyện Tân Phước cho biết khoảng đầu tháng 5, các thương lái người Trung Quốc đặt điểm thu mua khóm suốt ngày đêm ở bãi gỗ đầu cầu Kênh Xáng thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang). Trong khi giá khóm lâu nay chỉ khoảng 3.000-3.200 đồng/kg thì thương lái Trung Quốc mua với giá 4.400 đồng/kg loại khóm 1,1 kg, 6.000 đồng/kg loại khóm 1,3 kg. Thương lái người Việt chở khóm đến, cân bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, không cò kè.

Thế nhưng sáng 28/5, chúng tôi tìm đến điểm thu mua khóm, bãi đất vắng hoe. Một người dân trong khu vực cho biết thương lái Trung Quốc đã ngưng thu mua khóm năm ngày trước.

Một đầu mối thu mua khóm ở xã Phước Lập (huyện Tân Phước) cho biết: “Hôm trước tui chở ra hơn một tấn khóm, mấy ổng gật đầu nói “hảo, hảo” lia lịa, trả tiền cái rụp. Lần thứ hai chở khóm ra, mấy ổng xua tay từ chối. Báo hại tui chở ghe khóm gần hai tấn trở về bán chợ, lỗ sở hụi”.

Sầu riêng, khoai, khóm…

Thương lái khóm có thể chở khóm về bán chợ là còn may mắn hơn nhiều thương lái khoai lang ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long.

Ông D., một đầu mối cung cấp khoai lang cho thương nhân Trung Quốc ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân đang kẹt gần 1 tỉ đồng nợ chưa đòi được. Ông kể: “Làm ăn giao dịch lâu nay chủ yếu qua điện thoại và lòng tin, chẳng có hợp đồng mua bán. Gần đây thì họ biến mất khiến hàng chục thương lái ở Bình Tân tá hỏa vì không biết tìm họ ở đâu để đòi nợ”.

Theo các đầu mối, số “nợ khó đòi” đã gần 10 tỉ đồng. Ông T., một chủ vựa khoai ở huyện Bình Tân, ngao ngán kể: “Ban đầu họ mua giá cao, trả tiền sòng phẳng. Lâu ngày họ trở mặt, chê khoai kém chất lượng, trả giá thấp, không bán thì chở khoai về, đành phải bấm bụng bán nhưng phải gối đầu (giao hàng đợt sau mới thu được tiền đợt trước)”.

Ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành (huyện Bình Tân), cho biết thương nhân Trung Quốc đẩy giá khoai tím đến 1 triệu đồng/tạ khiến nhà nhà đua nhau trồng khoai. Diện tích khoai của xã tăng hơn 1.700 ha. Sau đó giá khoai rớt xuống dưới 200.000 đồng/tạ, nhà nông vẫn phải bán vì không thể neo khoai quá lứa trên ruộng. Hàng ngàn hộ dân lỗ từ 80 triệu đồng/ha (đất nhà) đến hơn 100 triệu đồng/ha (đất thuê).

Huyện sẽ xem xét…

Không thể ngăn cấm thương nhân Trung Quốc thu mua khóm hoặc mở điểm thu mua tại địa phương. Huyện sẽ xem xét kỹ vấn đề hợp đồng mua bán, cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước

Ngành nông nghiệp chỉ có thể khuyến cáo

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, không chỉ riêng nông sản mà các lĩnh vực thủy sản như cua, lâm sản như gỗ sưa, cây ngâu… cũng bị.

Các cơ quan nông nghiệp cũng chỉ làm được đến mức khuyến cáo, thông báo cho nông dân cảnh giác. Việc kiểm tra thương lái, mua bán giao dịch như thế nào thì cần Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh kiểm tra, rà soát mới có kết quả giúp được người nông dân.

Ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến Nông
Lâm Thủy sản và Nghề muối: Tìm hiểu kỹ đối tác

Giao thương mua bán với người Trung Quốc là chuyện bình thường. Điều không bình thường là nhà nông và thương lái Việt Nam vì quá cả tin nên khi giao dịch mua bán không chịu làm hợp đồng rõ ràng cụ thể, không tìm hiểu kỹ nguồn gốc, địa chỉ của đối tác phía Trung Quốc, cuối cùng gánh chịu nhiều thiệt hại.

TS Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang

Hợp đồng cũng chẳng ăn thua

Có nhiều ý kiến cho rằng nông dân cần làm hợp đồng mua bán, ký kết rõ ràng với thương lái Trung Quốc thì sẽ đảm bảo.

Tôi cho rằng giải pháp này không hiệu quả. Tập quán của nông xưa nay là thỏa thuận miệng, “tiền trao cháo múc”. Dẫu có khuyến cáo, đưa hợp đồng đến tận tay thì chưa chắc nông dân chịu ký.

Chỉ có cách là chính quyền địa phương vào cuộc, kiểm tra chặt những thương lái Trung Quốc mua nông sản tại địa phương. Điều tra nguồn gốc các thương lái rõ ràng mới cho thu mua.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

Làm trực tiếp với doanh nghiệp

Sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện quá phụ thuộc vào thương lái. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thương lái thao túng thị trường, ép giá. Thương lái đổ nợ thì nông dân vạ lây.

Chỉ có cách doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân, nông dân có đất, doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cử nhân viên hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Khi thu hoạch, doanh nghiệp phải trả công cho nông dân. Hình thức khác là nông dân tự lo, tự trồng nhưng có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đàng hoàng, đảm bảo doanh nghiệp thu mua xứng đáng.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam

Theo Hùng Anh – Quang Huy
Pháp Luật TPHCM

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét: