Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện mỗi người trong chúng ta có tới 30 hệ nhóm máu với khoảng 300 loại kháng nguyên khác nhau, đó là hệ ABO, hệ Rh, hệ Kell, hệ Kidd, hệ Lewis,…. nhưng quan trọng nhất là 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh. Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay không có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Ví dụ: hệ ABO có 4 nhóm máu: A, B, AB và O; hệ Rh có 2 nhóm máu là Rh+ và Rh-. Chỉ tính riêng 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh, cộng đồng người đã có 8 nhóm máu khác nhau là: A+; A-; B+; B-; AB+; AB-; O+; O- (A+ nghĩa là người đó vừa có nhóm máu A thuộc hệ ABO vừa có nhóm máu Rh+ thuộc hệ Rh. Dấu (+) hoặc dấu (-) chỉ ra rằng bề mặt hồng cầu của người đó có kháng nguyên Rh, viết đầy đủ là Rh(D)+ trong trường hợp thứ nhất hoặc không có kháng nguyên Rh, viết đầy đủ là Rh(D)- trong trường hợp thứ 2). Mỗi người khi sinh ra đã được thừa hưởng di truyền từ bố và mẹ nên có 1 trong 8 nhóm máu nêu trên và không thay đổi suốt cuộc đời. Ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04%-0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-). Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy, những người có nhóm máu Rh- ở nước ta thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm (trong 10.000 người mới có 4-7 người mang nhóm máu Rh-). Người mẹ trong bức ảnh thuộc nhóm máu hiếm, chị đã vượt qua cơn hiểm nghèo khi sinh con nhờ các tình nguyện viên cùng nhóm máu truyền máu kịp thời Trong cuộc sống, những người có nhóm máu hiếm Rh- có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác bởi các lý do sau đây: Một là, khi họ cần phải truyền máu (ví dụ do tai nạn gây mất máu; phẫu thuật cấp cứu,…) thì không phải lúc nào cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó, nếu cơ sở tiếp nhận máu hoặc bệnh viện không dự trữ đầy đủ tất cả các nhóm máu. Hai là, trường hợp mẹ có nhóm máu Rh-, bố có nhóm máu Rh+, theo quy luật di truyền, có ít nhất 50% trẻ sinh ra có nhóm máu giống bố là Rh+. Trong trường hợp có thai lần thứ nhất, đứa trẻ mang nhóm máu Rh+ vẫn phát triển bình thường cho đến khi ra đời nếu quá trình mang thai, bánh nhau không bị tổn thương. Nhưng từ lần có thai thứ 2 trở đi, nếu con vẫn có nhóm máu Rh+ thì thường xảy ra sự cố nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con: vì cơ thể mẹ sinh ra kháng thể đi qua bánh nhau chống lại kháng nguyên Rh(D)+ có trên bề mặt hồng cầu của con và gây ngưng kết hồng cầu, còn gọi là tan máu; hậu quả có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc đứa trẻ sinh ra nhưng bị thiểu năng trí tuệ. Ba là, với những phụ nữ có nhóm máu Rh- mà đã mang thai có nhóm máu Rh+ thì vẫn có thể xảy ra tai biến truyền máu ngay ở lần nhận máu Rh+ đầu tiên. Để tránh các rủi ro có thể xảy ra nêu trên, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện, cơ sở tiếp nhận máu, cơ sở y tế địa phương và bản thân người có nhóm máu hiếm Rh- cần lưu ý thực hiện một số giải pháp sau đây: Thứ nhất, đối với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện, cơ sở tiếp nhận máu và tuyến y tế địa phương của người có nhóm máu hiếm: - Mỗi khi phát hiện 1 người có nhóm máu hiếm thì tiếp tục động viên các thành viên khác của gia đình người đó xét nghiệm nhóm máu, lập danh sách để theo dõi, tư vấn sức khỏe cho những người có nhóm máu hiếm. - Vận động người có nhóm máu hiếm đủ sức khỏe tham gia hiến máu tình nguyện; thực hiện việc lưu trữ và cung cấp nhóm máu hiếm trong các trường hợp cần truyền máu theo quy định. - Tổ chức các “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm” nhằm mục đích quản lý, tư vấn sức khỏe và hỗ trợ giữa các thành viên trong các trường hợp cần truyền máu. Thứ hai, đối với những người có nhóm máu hiếm Rh- luôn nhớ câu “phải bảo vệ cho chính mình” bằng cách: - Quan tâm đến sức khỏe bản thân và động viên những người thân trong gia đình xét nghiệm để biết chính xác nhóm máu. - Thông báo nhóm máu Rh(-) của mình với cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt khi cần truyền máu và chăm sóc thai nghén. - Tích cực tham gia “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm” để sẻ chia thông tin, hỗ trợ nhau trong những trường hợp cần truyền máu. - Thường xuyên truy cập trang Web “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm” để hiểu rõ hơn về đặc điểm nhóm máu Rh- theo địa chỉ: http://caulacbomauhiem.vn Vậy cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm thành lập và quản lý “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm”? Theo chủ trương của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, một trong các giải pháp chủ yếu của phong trào hiến máu tình nguyện hiện nay là duy trì và phát triển nguồn người hiến máu thông qua tuyên truyền, vận động thành lập các loại hình câu lạc bộ như: “câu lạc bộ hiến máu dự bị”, “câu lạc bộ 25”, “câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm”. Bằng cách đó, đến cuối năm 2011, toàn quốc đã có gần 51.400 người hiến máu tình nguyện sinh hoạt tại hơn 1.600 câu lạc bộ thuộc 3 loại hình nêu trên, trong đó có 2.159 người Rh- sinh hoạt tại 44 “câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm” của 19 tỉnh, thành phố. Hiện nay các câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm Rh- được 2 cơ quan sau đây thành lập và quản lý: - Hội Chữ thập đỏ (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện) quản lý, ví dụ: “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm” do Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh thành lập năm 2001, đến nay có 156 thành viên; “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm Việt Nam” do Trung ương Hội thành lập năm 2009, có 76 thành viên; “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm Đà Nẵng” do Thành Hội Đà Nẵng thành lập năm 2009, có 40 thành viên,… - Trung tâm huyết học-truyền máu quản lý, ví dụ: “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm khu vực miền Trung” do Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực Huế thành lập, đến nay có 83 thành viên; “Câu lạc bộ người nhóm máu hiếm” do Viện Huyết học-Truyền máu trung ương thành lập, có 100 thành viên; Câu lạc bộ người nhóm máu hiếm khu vực Đông Nam bộ do Trung tâm Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập 2011, có 154 thành viên,... Hiện nay, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, chuẩn bị ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động các loại hình câu lạc bộ hiến máu tình nguyện”, trong đó có “Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm”, để thống nhất trong hệ thống của Hội về cách thức tổ chức và hoạt động. Tóm lại, nhóm máu hiếm Rh- là một đặc tính di truyền, giống như màu da, màu tóc… không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, những người có nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau; nếu truyền nhầm nhóm máu Rh+ sang Rh- sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong; bất đồng nhóm máu mẹ con là tai biến sản khoa thường gặp nếu người mẹ có Rh- và bố có Rh+. Do chiếm một tỷ lệ rất thấp trong cộng đồng nên những người có nhóm máu Rh- cần được sinh hoạt trong các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện (do Hội Chữ thập đỏ hoặc Trung tâm Huyết học-Truyền máu thành lập và quản lý) để được tư vấn về sức khỏe và có cơ hội giúp đỡ nhau trong các trường hợp cần phải truyền máu./. | |||
|
Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014
Author: Nguyễn Hiền
Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.
0 nhận xét: