Một cây cầu hữu nghị Trung Quốc - Campuchia bắc qua sông Mekong do một công ty Trung Quốc xây dựng được cho là có chân nhưng không có móng. Người dân Campuchia lo sợ cây cầu có thể sập bất cứ lúc nào nhưng Bộ Giao thông công chính Campuchia khẳng định cây cầu này vẫn an toàn.
Cây cầu hữu nghị Trung Quốc - Campuchia được cho là có chân nhưng không móng - Ảnh chụp màn hình tờThe Phnom Penh Post (Campuchia) |
Trận lũ lụt hồi tháng 11.2014 dẫn đến sạt lở bờ sông dưới chân cầu Prek Tamak ở huyện Muk Kampol (tỉnh Kandal) bắc qua sông Mekong, lộ ra phần chân cầu được cho là không có móng, khiến người dân hết sức lo ngại khi đi qua cây cầu này, theo tờThe Phnom Penh Post (Campuchia) ngày 8.1. Cầu Prek Tamak còn được gọi là cầu hữu nghị Campuchia - Trung Quốc.
Người dân địa phương đã tiến hành một chiến dịch trên mạng xã hội Facebook, bày tỏ quan ngại về sự xói mòn và tình trạng sạt lở đất bờ sông ở chân cầu có thể khiến nó bị sập.
Ông Buon Sokhorn, một người Campuchia thường xuyên đi qua cây cầu này, cho biết: “Tôi có thể nhìn thấy rõ là không có móng dưới trụ cầu; chỉ có một lớp bê tông và bây giờ đất phía dưới lớp bê tông bị sạt lở”.
“Tôi e rằng việc lở đất sẽ gây thiệt hại cây cầu hoặc gây tai nạn cho người sử dụng chiếc cầu này”, ông Sokhorn cho biết thêm.
Nhưng ông Lem Sideyning, Chánh văn phòng Bộ Giao thông công chính Campuchia thì cho biết sau một đợt thanh tra, bộ này khẳng định cầu Prek Tamak không có bất kỳ sự cố nào về cấu trúc và không ảnh hưởng đến sự an toàn cho những người qua lại.
Để trấn an người dân trước nỗi lo cầu sập, ông Sideyning cho hay: “Chúng tôi sẽ gửi một đội kỹ thuật kiểm tra cầu một lần nữa và xây dựng bờ kè ở bờ sông. Xin người dân đừng lo sợ!”.
Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải (Trung Quốc) là công ty xây dựng cầu Prek Tamak. Phóng viên The Phnom Penh Post vẫn chưa thể liên hệ được với công ty này. Người phát ngôn Cheng Hong Bo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho hay ông không nắm thông tin về sự cố liên quan cây cầu này, trong khi đây là cây cầu hữu nghị Trung Quốc - Campuchia thứ ba được xây dựng.
Ông Yeun Sarat, một chỉ huy lực lượng quân đội tại huyện Muk Kampul, cho biết Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải đã tiến hành kiểm tra sau đợt lở đất đầu tiên vào ngày 23.11, và kết luận cầu không gây nguy hiểm cho người lưu thông.
“Cây cầu có phần móng sâu 30 m chứ không phải chỉ vài mét… nên mọi người không nên quá lo lắng”, ông Sarat nói.
Cầu Prek Tamak trị giá 43,5 triệu USD, phần lớn trong số đó là vốn vay từ chính quyền Trung Quốc, được đưa vào sử dụng vào tháng 1.2011. Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải khởi công xây cây cầu này hồi tháng 6.2007, theo The Phnom Penh Post.
Phúc Duy
0 nhận xét: