Đó là khẳng định của chuyên gia hàng đầu Indonesia tại hội thảo có sự tham dự của nhiều học giả quốc tế ở Singapore chiều 4.3.
Hội thảo về chính sách ngoại giao và an ninh biển của Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo (còn được gọi là Jokowi - NV) do Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam tổ chức, thu hút sự có mặt của hầu hết các học giả và chuyên gia về an ninh biển, luật biển và chính trị khu vực nổi tiếng tại Singapore. Diễn giả là tiến sĩ Rizal Sukma, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Indonesia. Ông Rizal cũng là thành viên nhóm vận động tranh cử và chuyển tiếp chính quyền của Tổng thống Jokowi. Một trong những “điểm son” trong đề cương tranh cử giúp ông Jokowi chiến thắng hồi tháng 7.2014 chính là quyết tâm xây dựng Indonesia trở thành một cường quốc biển. Chiến lược biển với những tuyên bố mạnh mẽ và chính sách quyết liệt của ông Jokowi tạo sự quan tâm lớn không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực, mà trên khắp thế giới kể từ khi lên cầm quyền.
Chiến lược cường quốc biển của ông Jokowi có tên gọi Điểm tựa an ninh biển toàn cầu (Global Maritime Fulcrum - GMF) được ông Rizal giới thiệu không chỉ là tầm nhìn đưa Indonesia trở lại vị trí của quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới mà còn là học thuyết dẫn đường, một tập hợp lộ trình phát triển sắp tới của nước này. Dựa trên 5 trụ cột: văn hóa biển, nguồn lợi từ biển, hạ tầng và kết nối trên biển, ngoại giao biển và an toàn giao thông đường biển, Indonesia với vị trí nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ là sức mạnh bảo vệ an ninh khu vực và các lợi ích chính đáng của quốc gia, ông Rizal tuyên bố.
Khi được hỏi về chính sách của Indonesia ở biển Đông dưới thời Tổng thống Jokowi, ông Rizal chỉ rõ “4 quan điểm chính sách chủ đạo”. Đó là: Indonesia không là một bên trong tranh chấp biển Đông; có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và an toàn hàng hải ở biển Đông; sẵn sàng làm một “nhà môi giới trung thực” trong giải quyết tranh chấp; và mong muốn một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông được hoàn thiện sớm.
Ông Rizal cũng khẳng định GMF của Indonesia không mâu thuẫn với chiến lược Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Theo ông, nếu Trung Quốc có tham vọng bá quyền bằng “Con đường tơ lụa” này thì khó có thể trở thành hiện thực bởi “không một cường quốc nào có thể một mình thống trị thế giới ngày nay”, và “Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) sẽ là nền tảng bảo vệ” các quốc gia còn lại.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về quan điểm của Indonesia trước tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc có phần cuối chồng vào vùng biển Natuna của Indonesia, ông Rizal thẳng thắn: “Đường 9 đoạn không hề tồn tại!”. “Indonesia không công nhận đường 9 đoạn. Chúng tôi đã gửi công hàm lên LHQ hồi năm 2009 nói rõ lập trường này”, ông xác quyết và nói thêm: “Đường 9 đoạn là cái gì? Chúng ta có nhìn thấy nó đâu?”. Chưa hết, ông Rizal chỉ trích: “Về phương diện ngoại giao, Trung Quốc chưa bao giờ giải thích về đường 9 đoạn thì làm sao có thể nói là nó chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác? Chúng tôi sẽ không để rơi vào cái bẫy nói rằng đường 9 đoạn chồng lấn với EEZ của Indonesia”. Ông cảnh báo: “Nếu bạn nói đường 9 đoạn chồng vào chỗ này chỗ khác, vô tình bạn đã thừa nhận nó, mà trên thực tế là nó không hề có một cơ sở pháp lý quốc tế nào cả”.
Cuối cùng, ông Rizal nhắc lại: “Lập trường chính thức của chúng tôi là rất rõ ràng: Chúng tôi không công nhận đường 9 đoạn vì nó không tồn tại. Và vì nó không tồn tại, không có chồng lấn gì lên vùng biển Natuna cả”.
Mỹ theo dõi chặt chẽ biển Đông Đài NDTV hôm qua dẫn lời Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris Jr bày tỏ lo ngại về các động thái xây dựng, bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông, coi đó là nhân tố gây căng thẳng trong khu vực. “Với chúng tôi, những người quan tâm đến tự do đi lại, việc theo dõi những gì Trung Quốc đang làm cũng như quá trình cải tạo đất của nước này là một nhiệm vụ. Trên thực tế, họ đang thay đổi hiện trạng ở biển Đông”, vị đô đốc này nhấn mạnh. Phát biểu trên được đưa ra trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Harris Jr. Tại New Delhi, ông cũng tuyên bố không bên nào có quyền phản đối các hoạt động hợp pháp của hải quân Ấn Độ tại biển Đông. Trùng Quang |
(Theo Thanh Niên Online) Thục Minh (Văn phòng Singapore)
0 nhận xét: