Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

BOLÉRO CÓ PHẢI LÀ NHẠC SẾN KHÔNG

BOLÉRO CÓ PHẢI LÀ NHẠC SẾN KHÔNG?
(Nguồn: nhạc sỹ Tín Đức viết trên ThanhThuy.me)
Boléro là một điệu nhảy dân tộc, có nguồn gốc xuất xứ từ nước Tây Ban Nha, do một vũ sư tên là Sébastian Zérezo sáng tạo. Sau đó, theo làn sóng người di cư sang Tân thế giới, tiết điệu Boléro được phát triển mạnh ở Mỹ châu La tinh, mà đặc biệt là ở Cu Ba.


Được du nhập vào Việt Nam từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Theo tài liệu sử nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chính là người đầu tiên đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Duyên quê” bằng điệu Boléro. Âm điệu du dương của điệu nhạc này đã khiến cho khán thính giả thời đó nức lòng say mê! Rồi tiếp theo, còn rất nhiều nhạc sĩ khác ở miền Nam sáng tác nhiều ca khúc với tiết tấu Boléro như: Trúc Phương, Lam Phương, Dzũng Chinh, Vinh Sử… và ngay cả nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn, cũng đã từng sáng tác ca khúc “Lời buồn thánh” với lời lẽ ca từ thật hoa mỹ:
“Chiểu chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu. Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều. Trời mưa, trời mưa không dứt. Ô hay, mình vẫn cô liêu…”.
Ở miền Nam, hai thập niên 60-70 là đỉnh điểm phát triển thịnh hành của dòng nhạc Boléro. Thời gian này, trong giới bình dân lao động, đâu đâu cũng có hiện tượng hầu như “người người hát Boléro, nhà nhà nghe Boléro”. Để chạy theo thị hiếu quần chúng và cũng để theo yêu cầu vì lợi nhuận của các hảng băng đĩa thời đó, một số nhạc sĩ đã vội vội vàng vàng cho ra đời hàng loạt ca khúc có tiết điệu Boléro với các chủ đề: thất tình, cảnh nghèo khổ, cô đơn, bạc phận… với cách tiến dẫn giai điệu nghèo nàn, lời lẽ rẻ tiền, bình dân! Đây là loại hình thái kinh doanh âm nhạc dạng “mì ăn liền” mà giới phê bình âm nhạc gọi là “kỹ nghệ thương nhạc”. Thế nhưng, nó lại được lan truyền trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng (!) Đây chính là nguyên nhân khiến cho người ta nhầm lẫn, gọi tiết điệu Boléro là loại “nhạc sến”!
Nhạc sến là gì? Theo ý kiến của một số nhà phê bình âm nhạc, từ “sến” được nói trại ra từ chữ “cent”, có nghĩa là “xu”, là đơn vị tiền tệ thấp nhất vào thời trước. Theo đó, người ta mặc nhiên hiểu rằng nhạc sến tức là loại nhạc ba xu, loại nhạc rẻ tiền dành cho tầng lớp thợ thuyền, dân lao động, các ma-ri phông tên, ma-ri sến có trình độ thưởng thức âm nhạc cấp thấp! (Trong khi thật sự, các từ ngữ như: nhạc sến, nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc đỏ không hề có và hoàn toàn không được nhìn nhận trong ngôn ngữ học thuật chuyên biệt về âm nhạc!)
Thêm nữa, do không thích hợp lắm trong thủ thuật phân câu, nên người ta không phổ thơ qua nền nhạc Boléro. Từ đó, dẫn đến việc rất nhiều ca khúc Boléro có ngôn ngữ bình dân, ít mang tính ngôn ngữ văn học sâu sắc! Đây cũng chính là yếu tố để người ta đánh giá cho rằng Boléro là thể loại nhạc bình dân, rẻ tiền.
Thật sự, Boléro không phải là nhạc sến! Chúng ta có thể khẳng định điều đó một cách chắc chắn! Thế nhưng, nguyên nhân vì sao dòng nhạc Boléro dễ dàng đi sâu vào lòng người như vậy?  Xuất phát từ đặc tính tiết tấu được diễn đạt vừa phải, không nhanh cũng không chậm, khoảng 120 nốt đen trong một phút. Một đặc tính khác là trong khi Boléro nguyên thủy là loại nhạc được viết theo nhịp 3/4, nhưng khi du nhập sang Việt Nam lại được viết theo nhịp 4/4 với hai phách cuối thường được cấu tạo bởi một liên ba đen, hoặc là giai điệu được tiến dẫn bởi những liên ba đen liên tục nối tiếp nhau. Cách chia tiết tấu này rất phú hợp với tính chất của các bài dân ca hoặc sáu câu vọng cổ miền Nam. Đây chính là yếu tố giúp cho người ta khi nghe giai điệu này cảm thấy thật thân quen, gần gũi… Với các đặc trưng này, ta thấy tiết điệu Boléro rất phù hợp với những ca khúc mang tính tự sự, đậm đà chất dân gian, chẳng hạn như Mưa nửa đêm, Chuyện tình Lan và Điệp, Lời tạ từ, Tình thắm duyên quê…
Một tính chất quan trọng nữa là do kết cấu phân nhịp và bố cục giai điệu thường tiến dẫn một cách nhịp nhàng, đều đặn, ít có những nốt cao trào đột biến như những tiết điệu khác, nên Boléro có đặc trưng tạo ra một chuỗi giai điệu buồn. Những ca khúc sáng tác gợi nhớ về dỉ vãng hay tâm sự riêng tư rất thích hợp với loại tiết điệu này!
“Tôi muốn hỏi, có phải vì đời chưa trọn vòng tay. Nên những khi mưa nửa đêm, làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm…” (Mưa nửa đêm của Trúc Phương)
Mới đây, trong chương trình dự thi dành riêng cho dòng nhạc Boléro của một Đài Truyền hình địa phương, một MC đã nhầm lẫn, xướng danh nhạc sĩ Trúc Phương và một nhạc sĩ khác đều là “ông Hoàng nhạc Boléro”. Thật sự, danh xưng “ông Hoàng nhạc Boléro” chỉ có một, người ấy chính là nhạc sĩ Trúc Phương; còn nhạc sĩ kia chỉ là “ông Hoàng nhạc sến” mà thôi! Thật vậy, trong thời hoàng kim của nhạc Boléro, nhạc sĩ Trúc Phương đã được xem như “ông Hoàng nhạc Boléro” với các ca khúc nổi tiếng, đi sâu vào lòng người qua biết bao thế hệ như: Tàu đêm năm cũ, Mưa nửa đêm, Hai chuyến tàu đêm, Nửa đêm ngoài phố…
Nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương, ắt hẳn người dân Vĩnh Long không cảm thấy xa lạ gì, bởi vì vào khoảng giữa thập niên 80, ông có biên chế và là Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Cửu Long (gồm Vĩnh Long và Trà Vinh). Trúc Phương đã sống tại Thị xã Vĩnh Long khoảng mười năm. Một số ca khúc đã được ông sáng tác trong giai đoạn này: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách… Riêng ca khúc “Về chín dòng sông hò hẹn”, với tiết tấu Boléro cộng với chất dân ca Nam Bộ đậm đà,  đã được các ca sĩ  trong và ngoài tỉnh Cửu Long cùng với các hảng băng đĩa thời đó sử dụng trình bày và thu thanh, trong đó có ca sĩ Đình Văn trong nhóm Bách Việt đem ca khúc này phổ biến tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tựa đề của bài hát này được đặt tên cho cuộc hội diễn Nghệ thuật Quần chúng hàng năm cho 11 tỉnh Tây Nam Bộ.
Cũng vào thập niên 80, nhạc sĩ Trần Tiến đã từng cộng tác với Đoàn Ca múa tỉnh Cửu Long. Thời gian này, ông có viết một bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ trên nền nhạc Boléro, đó là bài “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Ca khúc này rất được nhiều người yêu thích, đã từng đoạt giải thưởng quốc gia!
Khi đi sâu, tìm hiểu lại xuất xứ của tiết điệu này, ta sẽ thấy có rất nhiều nhạc sĩ lừng danh trên thế giới đã từng sáng tác nhiều tác phẩm bất hủ trên nền tiết tấu này  như: nhạc sĩ dương cầm Chopin trong chương Piano Solo (op.19). Debussy với bài Soirée Dans Grenada.
Nhạc sĩ tài danh Bizet cũng đã sử dụng điệu Boléro trong vở Opéra nổi tiếng thế giới “ Carmen”. Nhạc sĩ Charles Aujuste De Bariot với bản Concerto nổi tiếng “Scène De Ballet”.
Một số biến thể khác của điệu Boléro mà giới sưu tầm âm nhạc thường gọi là biến tấu Habanera (Tiền thân của Tango ở Cu Ba). Đó là những vở Opéra từng nổi đình đám ở Pháp và Tây Ban Nha.
Sau năm 1975, cũng  có một số nhạc sĩ Cách mạng viết nhiều ca khúc rất hay mang âm hưởng tiết tấu Boléro như: Ngày mai anh lên đường, Gần lắm Trường Sa, Nhánh lan rừng… Đây là những ca khúc đã đi sâu vào lòng người vì có giá trị nghệ thuật cao .
Qua một số minh chứng trên , khi đúc kết lại chúng ta nhận thấy Boléro là một tiết điệu âm nhạc có bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Nó có tính chất đặc thù, một giá trị riêng biệt. Tính nghệ thuật của nó rất cao được nền âm nhạc cùa cà thế giới thừa nhận, không hề thua bất cứ một tiết tấu nào khác như “ Vasle, Boston, Slow hay các điệu nhạc trẻ như Soul, Rock…
Việc ở miền Nam trước đây dòng nhạc rẻ tiền kiểu “kỷ nghệ thương nhạc” là có thật! Tuy nhiên, thực chất nó được viết với các tiết tấu đa dạng như: Slow Rock, Vasle, Boléro, Soul…chứ không riêng gì với điệu Boléro. Thế nhưng, ta phải thừa nhận rằng có rất nhiều bài hát rẻ tiền thời này thường sử dụng điệu Boléro.
Đến với âm nhạc là ta đến với một lĩnh vực cần có sự học tập tìm hiểu và nhận định chính xác. Để từ đó ta mới cảm nhận được hết cái hay cái đẹp tinh túy của âm nhạc! Do đó việc nghiên cứu và xét lại đúng một trào lưu hay một phong cách nào đó trong nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng là công việc rất cần thiết và cẩn trọng.
Tác giả viết bài này không ngoài ý tưởng trên, muốn minh chứng cho người yêu thích âm nhạc, nhất là các bạn trẻ có được nhận xét thật khách quan về một lĩnh vực nhỏ trong âm nhạc: vấn đề tiết điệu  Boléro không phải chỉ dành cho dòng nhạc bình dân, rẻ tiền như người ta đã từng nhầm lẫn!

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét: