Dựa trên cách tính theo tỷ giá hối đoái vào ngày 16.12 vừa qua, giá trị GDP của Ấn Độ là 2.300 tỉ USD trong khi của Anh là 2.290 tỉ USD. Điều này là dấu mốc có ý nghĩa rất to lớn về nhiều phương diện đối với Ấn Độ và thế giới, nhưng không gây bất ngờ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo là ngay trong tài khóa này, Ấn Độ sẽ đổi chỗ với Anh.
Sau khi Trung Quốc đẩy Nhật Bản xuống vị trí thứ 3, bây giờ lại có thêm bằng chứng mới về sự thay thời đổi thế trong tương quan lực lượng và cục diện quan hệ trên thế giới. Anh vốn là “mẫu quốc” xưa của Ấn Độ nên không bi hài sao được khi bây giờ bị Ấn Độ vượt mặt.
Cũng vì đã quyết định ra khỏi EU và không thể không lo xa trong việc đối phó những tác động tiêu cực, hậu quả tai hại và hệ lụy bất lợi từ Brexit về trung hạn cũng như lâu dài nên Thủ tướng Anh Theresa May phải dành ưu tiên mới cho mối quan hệ với các nước thuộc địa xưa trong khuôn khổ Khối thịnh vượng chung mà Ấn Độ là một trong những thành viên quan trọng nhất.
Sự đảo thế về kinh tế này sẽ làm thay đổi rất đáng kể cục diện quan hệ giữa Ấn Độ và Anh, giúp đề cao vị thế, vai trò và ảnh hưởng của nhóm BRICS mà Ấn Độ là thành viên, buộc tất cả các đối tác phải nhìn nhận Ấn Độ với giác độ khác. Chỉ riêng vượt mặt Anh không thôi chưa đủ để Ấn Độ giải quyết được hết các vấn đề đang đặt ra, nhưng tạo thêm đà và động lực, củng cố sự tự tin và bản lĩnh để giải quyết các vấn đề ấy.
Thảo Nguyên
0 nhận xét: