Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội

Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Hoàng Thành Thăng Long- Di tích Văn hóa Thế giới

1. Vị trí địa lý

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích 18,395ha, bao gồm: khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Cụm di tích này nằm ở quận Ba Đình và được giới hạn bởi phía bắc là đường Phan Đình Phùng; phía nam là đường Bắc Sơn và nhà Quốc hội; phía tây là đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập và nhà Quốc hội; phía tây nam là đường Điện Biên Phủ và phía đông là đường Nguyễn Tri Phương.

2. Lịch sử

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựngKinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành.
Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ.
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Nhà Trần sau khi lên ngôi đã tiếp quản Kinh thành Thăng Long rồi tiếp tục tu bổ, xây dựng các công trình mới. Sang đến đời nhà Lê sơ, Hoàng thành cũng như Kinh thành được xây đắp, mở rộng thêm ra. Trong thời gian từ năm 1516 đến năm 1788 thời nhà Mạc và Lê trung hưng, Kinh thành Thăng Long bị tàn phá nhiều lần.
Đầu năm 1789, vua Quang Trung dời đô về Phú Xuân, Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Thời Nguyễn, những gì còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long lần lượt bị các đời vua chuyển vào Phú Xuân phục vụ cho việc xây dựng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi ngự giá Bắc thành.
Năm 1805, vua Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng thành cũ và cho xây dựngThành Hà Nội theo kiểu Vauban của Pháp với quy mô nhỏ hơn nhiều. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn, vua Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Khi chiếm xong toàn Đông Dương, người Pháp chọn Hà Nội là thủ đô của liên bang Đông Dương thuộc Pháp và Thành Hà Nội bị phá đi để lấy đất làm công sở, trại lính cho người Pháp. Từ năm 1954, khi bộ đội ta tiếp quản giải phóng thủ đô thì khu vực Thành Hà Nội trở thành trụ sở của Bộ quốc phòng. Như vậy giá trị đầu tiên của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thể hiện ở chỗ nó gần như là một "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long- Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.

3. Giá trị khảo cổ

Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Trong lịch sử, Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long.Đó chính là giá trị nổi bật và độc đáo của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội. Tại đây, các nhà khảo cổ học còn khai quật được một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong hoàng cung Thăng Long qua các triều đại, là minh chứng cụ thể về trình độ phát triển cao của kinh tế và văn hoá. Ngoài ra, nhiều tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... được tìm thấy ở đây là bằng chứng cho thấy Thăng Long là trung tâm giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại.
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Vào lúc 20h30 ngày 31/7/2010 tại thủ đô Brasilia của Braxin, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí nổi bật:
  • Minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia.
  • Minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng qua các thời kỳ lịch sử.
  • Có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quốc gia trong mối quan hệ với khu vực và thế giới. Tại lễ khai mạc đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào ngày 1/10/2010, bà Irina Bokova - tổng giám đốc UNESCO đã trao bằng công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới cho lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội


SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét: