Có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã lớn mạnh và tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Tuy chỉ chiếm thị phần khiêm tốn, nhưng các doanh nghiệp này đang phát triển rất nhanh và có tỷ suất lợi nhuận cao. Vậy đâu là nguyên nhân thành công của các "chàng tí hon"? Bài viết ngắn này phân tích các kinh nghiệm đem lại thành công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ tìm thấy những gợi ý thiết thực. Kinh nghiệm 1: Thành công bằng sự sáng tạo Theo kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, chìa khóa thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là khả năng sáng tạo trong các chiến lược thị trường. Bạn sẽ không thể tấn công trực diện hoặc đơn thuần bắt chước các doanh nghiệp lớn. Các "đại gia" thường có ưu thế trên thị trường do thị phần lớn, thương hiệu đã nổi tiếng, kinh nghiệm vượt trội
Sự sáng tạo của bạn là làm sao tìm được một phân khúc thị trường riêng và có lợi thế cho mình. Phần thị trường này thường thuộc các lĩnh vực hiện tại kém hấp dẫn, chưa được các doanh nghiệp lớn quan tâm khai thác. Như vậy bạn sẽ có lợi thế cạnh tranh gần như là độc quyền trong một thời gian. Sự sáng tạo liên tục sẽ giúp bạn luôn tìm ra những thị trường mới. Nếu bạn không thể tìm được một thị trường hoàn toàn mới và riêng biệt, hãy tìm cách làm cho sản phẩm của bạn trở nên độc đáo bằng những dịch vụ kèm theo đáp ứng đúng nhu cầu. Kinh nghiệm 2: Khuyến khích sự đóng góp của nhân viên Việc sáng tạo ra các chiến lược thường được cho là nhiệm vụ riêng của lãnh đạo. Điều này không hoàn toàn đúng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ thành công khi có cơ chế khuyến khích sự đóng góp sáng tạo của nhân viên ở tất cả các cấp. Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nên tập trung điều hành các tiến trình chung. Hãy tạo điều kiện để các cấp có thể đóng góp sáng tạo trong các chiến lược kinh doanh. Ý kiến của những nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh sẽ giúp cho các chiến lược được xây dựng sát với thực tế và luôn được cập nhật kịp thời. Kinh nghiệm 3: Tìm người lãnh đạo giỏi Ai cũng biết mọi doanh nghiệp muốn thành công phải có những lãnh đạo giỏi. Như đã phân tích, thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu dựa trên sự sáng tạo. Do đó vai trò của người lãnh đạo càng được nâng cao. Doanh nghiệp cần những lãnh đạo sáng tạo, có tầm nhìn xa trông rộng và có khả năng bao quát được các hoạt động của doanh nghiệp. Người lãnh đạo giỏi phải đưa ra được những ý tưởng kinh doanh độc đáo, tìm được những chỗ trống trên thị trường để doanh nghiệp có thể xâm nhập mà tránh được sự cạnh tranh trực tiếp của các "đại gia". Đồng thời lãnh đạo cũng phải biết lắng nghe và tạo điều kiện cho sự lao động sáng tạo của nhân viên. Kinh nghiệm 4: Không vội vã Thông thường thì bạn hay nghe những lời khuyên đại loại như phải đa dạng hóa kinh doanh, mở rộng sản xuất, phát triển thị trường
Nên rất cẩn thận trước khi thực hiện những điều này. Theo kinh nghiệm thì trước tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ nên tập trung cạnh tranh ở một số thị trường nhất định. Thường đó là các thị trường xây dựng theo kinh nghiệm 1 nêu trên. Hãy bằng lòng với quy mô nhỏ phù hợp với năng lực hiện tại và thật thận trọng trước những kế hoạch phát triển kinh doanh. Sự phát triển vội vã khi chưa có đủ khả năng và nguồn lực cần thiết sẽ mang lại thất bại. Kinh nghiệm 5: "Ba cây chụm lại thành hòn núi cao" Sự liên kết sẽ tạo nên sức mạnh. Mô hình mạng lưới liên kết gồm các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên vật liệu và các doanh nghiệp chuyên làm nhiệm vụ phân phối hiện đang rất phổ biến và thành công trên thế giới. Sự liên kết với các doanh nghiệp ở đầu vào và đầu ra sẽ giúp nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tăng sức mạnh cạnh tranh và sự độc lập của doanh nghiệp, đồng thời giúp giảm chi phí kinh doanh. =>Một điểm cần được nhắc đi nhắc lại là sự thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc vào các sáng tạo mang tính chiến lược. Doanh nghiệp phải có những bước đi độc đáo nhưng cũng phải thận trọng để tìm được chỗ đứng trên thị trường. Điều này đòi hỏi phải có những người lãnh đạo giỏi và có sự đóng góp chung sức của tất cả các nhân viên và đối tác kinh doanh.
|
0 nhận xét: